Các tiêu chí Xây Dựng Trường Mầm Non Lấy Trẻ Làm Trung Tâm
Để đảm bảo các yêu cầu về môi trường giáo dục, chỉ đạo, công tác quản lý, giáo dục trẻ theo quan điểm xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.
1. Môi trường giáo dục
- Đảm bảo an toàn về mọi mặt, cho trẻ được giao tiếp - thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với những người xung quanh.
- Cử chỉ, hành vi, thái độ, lời nói của giáo viên đối với trẻ và những người khác luôn mẫu mực để trẻ noi theo.
- Môi trường, cơ sở vật chất trong và ngoài lớp phải đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho tất cả các trẻ hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế.
- Các không gian cho trẻ hoạt động phải được tận dụng phù hợp, đa dạng, linh hoạt, phong phú, các khu vực trong nhà trường được quy hoạch theo đúng hướng, các góc hoạt động mang tính mở để tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng sự vật, đồ vật, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm.
- Khuyến khích trẻ có thể hoạt động theo nhiều cách khác nhau; tạo cơ hội cho trẻ hoạt động, khám phá, trải nghiệm dưới nhiều hình thức khác nhau, phát triển toàn diện.
- Tạo cơ hội, tận dụng hoàn cảnh, tình huống thật cho trẻ hoạt động trải nghiệm, khám phá trong môi trường an toàn.
2. Xây dựng kế hoạch giáo dục
Mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục trẻ, phạm vi và mức độ, các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ là thể hiện của kế hoạch giáo dục, cụ thể:
- Các mục tiêu cụ thể phản ánh kết quả mong đợi, đáp ứng sự phát triển của trẻ theo giai đoạn và theo chương trình giáo dục mầm non.
- Có thể điều chỉnh linh hoạt chương trình giáo dục mầm non phù hợp với sự phát triển của trẻ và kiện thực tế của trường/lớp, địa phương, vùng miền.
- Tích hợp, coi trọng việc hình thành và phát triển các năng lực, kĩ năng sống cho trẻ, không nhấn mạnh vào việc cung cấp cho trẻ kiến thức, kĩ năng đơn lẻ
- Thể hiện sự gắn kết, tính tích hợp, tác động một cách thống nhất đồng bộ đến sự phát triển của trẻ.
- Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động giáo dục bằng các giác quan, vận động thân thể dưới nhiều hình thức khác nhau.
3. Tổ chức hoạt động giáo dục
- Phối hợp tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, đảm bảo trẻ “học bằng chơi, chơi bằng học”.
- Hỗ trợ theo hướng mở rộng, quan tâm để khuyến khích trẻ sáng tạo, làm cá thể hóa đối với những trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
- Các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi cần phải chú trọng, tạo ra các cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với hứng thú, nhu cầu và sự phát triển của từng cá nhân trẻ.
- Không làm thay trẻ mà giáo viên cần tổ chức và điều khiển hỗ trợ đúng lúc. Khuyến khích cho các trẻ tương tác với nhau. Tạo cơ hội giúp trẻ bộc lộ hết khả năng đặc biệt của riêng mình.
4. Đánh giá sự phát triển của trẻ
- Đánh giá đúng khả năng của từng trẻ để có tác động phù hợp và tôn trọng những gì trẻ đang có. Dựa trên cơ sở sự thay đổi của từng trẻ để đánh giá kết quả giáo dục của trẻ
- Sự khác biệt của mỗi đứa trẻ về cách thức, tốc độ học tập và phát triển riêng cần được tôn trọng. Chú trọng và thúc đẩy tiềm năng của từng trẻ.
Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng chuyên môn. Lớp học được tổ chức dưới hình thức học tập trao đổi qua hoạt động nhóm, hoạt động trao đổi thông tin, tình huống khác nhau giúp người học có nhiều kinh nghiệm trong ứng xử, tạo môi trường học tập vui vẻ.